Thân thế Tống Huy Tông

Tống Huy Tông tên thật là Triệu Cát (赵佶), chào đời vào ngày 2 tháng 11 năm 1082, tức ngày Đinh Tị, tháng 10 năm Nguyên Phong thứ năm[4]. Ông nguyên là hoàng tử thứ 11 của Tống Thần Tông Triệu Húc, nhưng là hoàng tử thứ 3 trong số 6 hoàng tử còn sống đến tuổi trưởng thành của Thần Tông, mẹ là Khâm Từ hoàng hậu Trần thị, nguyên là Mỹ nhân (美人), qua đời 4 năm sau khi Thần Tông mất. Năm sau (1083), tháng 10, thụ phong Trấn Ninh quân Tiết độ sứ, tước Ninh quốc công (宁國公).

Năm 1085, Tống Thần Tông chết, Hoàng thái tử Triệu Hú tức vị, tức là Tống Triết Tông. Không lâu sau, Triệu Cát được tấn phong Toại Ninh quận vương (遂宁郡王). Năm Thiệu Thánh thứ ba (1096), phong Bình Giang quân, Trấn Giang quân tiết độ sứ, tiến tước Đoan vương (端王). Thời trẻ, Triệu Cát đã là một tài tử xuất chúng về nghệ thuật, ông rất có tài năng về thi ca, thư pháp. Đặc biệt, ông là một họa sĩ vô cùng xuất sắc và tài hoa. Nhưng mặt khác, Triệu Cát cũng là một kẻ có bản chất phóng đãng, lẳng lơ, ham mê hưởng lạc theo đúng chất một công tử phong lưu thời bấy giờ.

Năm Nguyên Phù thứ ba (1100), Tống Triết Tông qua đời ở Phúc Ninh điện khi mới 24 tuổi[5]. Do lúc sinh thời, Triết Tông chỉ có duy nhất một người con trai là thái tử Triệu Mậu, nhưng yểu mạng nên không có người thừa kế nên triều đình gặp rắc rối trong việc chọn người kế vị. Hôm đó mẹ cả của Triết Tông là Hướng Thái hậu vời các quan chấp chính vào cung khóc rằng

Quốc gia bất hạnh, Đại Hành hoàng đế vô tự, sự việc nhờ các ông sớm định liệu.

Quan đầu triều là Chương Đôn tâu rằng

Theo lý thì lập em cùng mẹ với Tiên đế là Giản vương Tự.

Thái hậu đáp

Lão thân không có con, thì các vương cũng đều như nhau là thứ tử của Thần Tông.

Đôn lại nói

Nếu như thế thì lấy người con trưởng là Thân vương.

Thái hậu không đồng ý bảo rằng

Thân vương có bệnh, không thể đảm đương. Tiên đế thường nói Đoan vương là người có phúc lại mệnh thọ, và tính nhân hiếu, có thể lập lên ngôi.

Đôn bảo rằng

Đoan vuơng là người khinh bạc, không thể là quân lâm thiên hạ.

Nói chưa dứt lời thì Tăng Bố gạt đi và bảo rằng mọi việc nên nghe theo ý của Thái hậu. Thái hậu bèn cho mời Đoan vương Cát vào cung kế vị, tức là Tống Huy Tông. Quần thần xin Thái hậu đứng ra buông rèm nhiếp chính. Thái hậu cho rằng Tự quân đã trưởng thành thì bất tất phải buông rèm. Huy Tông lại khóc mà cầu xin, Thái hậu bèn bằng lòng[5].